Danh mục sản phẩm

[Mách bạn] Các cách trị ho tại nhà hiệu quả và an toàn

DHT PHARMA
Thứ Tư, 02/07/2025

Ho là triệu chứng phổ biến mà hầu hết mọi người đều gặp phải trong cuộc sống. Dù không phải là bệnh nghiêm trọng, nhưng ho kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây khó chịu và mất ngủ. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết các cách trị ho tại nhà an toàn và hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em, giúp bạn và gia đình nhanh chóng khỏe mạnh.

>> Xem thêm: 

Nguyên nhân và triệu chứng ho thường gặp

Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ các chất kích thích, dị vật hoặc chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây ho sẽ giúp bạn áp dụng phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả hơn.

Nguyên nhân gây ho phổ biến

Ho có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những vấn đề đơn giản đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Trong phần lớn các trường hợp, ho là triệu chứng của các bệnh lý đường hô hấp thông thường mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Ho do cảm lạnh và cúm

Cảm lạnh và cúm là nguyên nhân hàng đầu gây ho ở cả người lớn và trẻ em. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng gây viêm niêm mạc đường hô hấp, kích thích sản xuất dịch nhầy và gây ra phản xạ ho. Ho do cảm cúm thường bắt đầu với ho khan và sau đó chuyển sang ho có đờm khi cơ thể cố gắng đẩy chất nhầy ra ngoài. Triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần và có thể đi kèm với sốt, đau họng, chảy nước mũi và mệt mỏi.

Đặc biệt ở trẻ em, ho do cảm lạnh thường xuất hiện dữ dội hơn vào ban đêm và sáng sớm, làm gián đoạn giấc ngủ của cả bé và cha mẹ. Đây là lý do nhiều gia đình tìm kiếm cách trị ho cho bé tại nhà để giúp các bé dễ chịu hơn mà không cần sử dụng thuốc.

Ho do dị ứng và ô nhiễm không khí

Dị ứng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ho kéo dài. Phấn hoa, bụi nhà, lông thú cưng, và nấm mốc là những tác nhân dị ứng thường gặp có thể kích thích đường hô hấp và gây ho. Ho do dị ứng thường là ho khan và có thể đi kèm với ngứa họng, hắt hơi và chảy nước mũi.

Ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, và các chất kích thích hóa học cũng có thể gây kích ứng đường hô hấp dẫn đến ho. Những người sống trong môi trường đô thị ô nhiễm hoặc làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi thường xuyên gặp phải tình trạng này. Ho do ô nhiễm môi trường thường là ho khan, đau rát cổ họng và có thể kéo dài nếu không tránh được nguồn gây kích ứng.

Triệu chứng đi kèm với ho

Khi cơ thể bị ho, thường sẽ xuất hiện các triệu chứng đi kèm giúp xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Việc nhận biết chính xác các triệu chứng này sẽ giúp bạn quyết định liệu có thể điều trị ho tại nhà hay cần đến sự trợ giúp y tế.

  • Ho do viêm đường hô hấp trên như cảm lạnh và cúm: Thường đi kèm với sốt nhẹ, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi và đôi khi có đau đầu. Trong trường hợp này, ho thường bắt đầu với ho khan và dần chuyển sang ho có đờm sau vài ngày.
  • Ho do viêm phế quản hoặc viêm phổi: Ho đi kèm sốt cao, khó thở, đau ngực khi ho hoặc hít thở sâu, và đờm có màu vàng, xanh hoặc thậm chí có máu.
  • Đối với trẻ em: Ho có thể đi kèm quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi và khó ngủ. Bố mẹ cần theo dõi cẩn thận các dấu hiệu như tiếng ho có âm thanh lạ (như tiếng rít), khó thở, tím tái quanh môi khi ho, hoặc ho kèm theo nôn mửa, là những dấu hiệu cần được thăm khám y tế ngay lập tức.

Các cách trị ho tại nhà

Cách trị ho tại nhà cho người lớn đơn giản và hiệu quả

Cách trị ho tại nhà với các thảo dược tự nhiên

Mật ong

Theo nghiên cứu, mật ong có thể làm giảm ho. Nghiên cứu cho thấy mật ong tốt hơn phương pháp chăm sóc thông thường, cả về khả năng ức chế cơn ho và giúp hạn chế tình trạng cần dùng kháng sinh.

Khi ho, bạn có thể uống trực tiếp một thìa mật ong hoặc thêm vào đồ uống nóng, chẳng hạn như trà thảo mộc.

Gừng

Hợp chất hoạt tính trong gừng giúp làm dịu cơn ho là gingerol, có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Ngoài ra, nó có thể giúp giãn đường thở và giảm kích ứng.

Gừng tươi giã nát đun sôi với nước, uống 3-4 lần mỗi ngày để giảm ho dai dẳng, đau họng và thậm chí là nghẹt mũi. Có thể thêm một ít mật ong và nước cốt chanh. Cách trị ho tại nhà cho người lớn bao gồm nhai một miếng gừng tươi và rắc muối lên trên.

Dứa

Dứa có chứa bromelain, ức chế ho, làm loãng chất nhầy trong cổ họng và làm giảm viêm xoang và các vấn đề về xoang liên quan đến dị ứng, có thể góp phần gây ho và sản xuất chất nhầy. Bromelain đã được chứng minh là có thể cải thiện ngay lập tức khi kết hợp với mật ong.

Một số người uống nước ép dứa hàng ngày để giảm chất nhầy trong cổ họng và ngăn ngừa ho. Tuy nhiên, trẻ em hoặc người lớn đang dùng thuốc làm loãng máu không nên dùng thực phẩm bổ sung chứa bromelain. 

Chanh vàng

Chanh vàng có thể làm giảm ho, giảm viêm và tăng cường vitamin C (giúp chống nhiễm trùng). Để làm một loại siro ho đơn giản, hãy trộn hai thìa nước cốt chanh với một thìa mật ong và uống nhiều lần trong ngày.

Bạc hà

Lá bạc hà và tinh dầu khuynh diệp đều nổi tiếng với đặc tính giảm ho. Thành phần hoạt tính trong bạc hà là menthol có tác dụng thông mũi, làm dịu cổ họng, giúp phá vỡ chất nhầy. 

Một cốc trà bạc hà ấm nóng vừa giúp giảm ho hiệu quả, vừa giúp thư giãn tinh thần. Kết hợp với mật ong cũng là một giải pháp giảm ho phổ biến.

Các cách trị ho tại nhà cho người lớn khác

Súc miệng bằng nước muối

Súc miệng bằng nước muối thường là phương thuốc chữa đau họng, nhưng cũng hiệu nghiệm để chữa ho. Nước muối có thể làm loãng chất nhầy và giúp rửa sạch những tác nhân gây kích ứng cổ họng gây ho. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc tự pha muối với nước để súc họng.

Sử dụng máy tạo độ ẩm và hơi nước ấm

Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ sẽ cung cấp độ ẩm cần thiết cho đường hô hấp, giúp làm dịu cổ họng bị kích ứng và giảm ho, đặc biệt là ho về đêm.

Xông bằng hơi nước ấm cũng là một phương pháp hiệu quả để làm ẩm đường hô hấp và giảm ho. Thêm vài giọt tinh dầu bạc hà, khuynh diệp hoặc trà xanh vào nước sẽ làm tăng hiệu quả giảm ho nhờ tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn của chúng. Nên thực hiện phương pháp này 2-3 lần mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ để có giấc ngủ ngon hơn.

Sử dụng bình rửa mũi

Rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý là phương pháp hiệu quả giúp làm sạch các khoang mũi, loại bỏ chất nhầy, dị nguyên và các tác nhân gây kích ứng khác. Khi các chất này chảy xuống cổ họng, chúng có thể kích thích gây ho, đặc biệt là vào ban đêm khi nằm ngủ.

Kẹo ngậm ho hoặc siro ho thảo dược

Kẹo ngậm ho và siro ho thảo dược là những phương pháp truyền thống nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay nhờ hiệu quả trong việc làm dịu cổ họng và giảm kích thích gây ho. Các thành phần tự nhiên như mật ong, chanh, gừng, cam thảo, bạc hà và thảo mộc khác có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và làm dịu niêm mạc họng.

Các cách trị ho tại nhà

Cách trị ho cho bé tại nhà

Thuốc ho thường không được khuyến khích dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do lo ngại các tác dụng phụ mà chúng đem lại. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh thường áp dụng các cách trị ho cho bé tại nhà, vừa an toàn mà lại hiệu quả.

Một số cách trị ho cho người lớn cũng có thể hữu ích để giảm ho cho bé, bao gồm:

  • Mật ong: Một thìa mật ong nhỏ pha với nước ấm có thể giúp chống ho và làm dịu cổ họng của trẻ. Tuy nhiên, chỉ áp dụng với trẻ trên 1 tuổi do nguy cơ ngộ độc Clostridium botulinum - một loại vi khuẩn có thể có trong mật ong.
  • Máy tạo độ ẩm và hơi nước ấm: Không khí khô có thể khiến cơn ho của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Máy tạo độ ẩm phun sương có thể giúp làm dịu cơn ho bằng cách làm ẩm cổ họng, giảm kích ứng cổ họng và giúp trẻ thoải mái hơn. Hít thở hơi nước ấm cũng có thể giúp làm loãng chất nhầy và giúp trẻ dễ ngủ hơn.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm: Áp dụng cho trẻ 6 tuổi trở lên, giúp làm dịu cơn đau họng và giảm chất nhầy và tình trạng tắc nghẽn, từ đó giảm ho hiệu quả.

Ngoài ra, có một số cách trị ho cho bé tại nhà khác mà bố mẹ có thể áp dụng để giúp em bé nhà bạn bớt những cơn ho khó chịu.

Uống nhiều nước

Duy trì đủ nước có thể giúp trẻ chống lại cảm lạnh. Uống đồ uống ấm như trà không chứa caffeine, nước chanh ấm có thể giúp giảm ho bằng cách làm loãng chất nhầy và làm dịu cơn đau họng.

Nâng cao đầu khi ngủ

Kê cao đầu trẻ bằng một hoặc hai chiếc gối có thể giúp giảm ho vào ban đêm. Điều này giúp thông tắc nghẽn và giảm ho liên quan đến chảy dịch mũi sau (khi chất nhầy tích tụ và chảy xuống phía sau cổ họng).

Nhỏ mũi và hút mũi

Nghẹt mũi có thể góp phần gây ra ho ở trẻ. Trẻ có thể thở bằng miệng khi bị nghẹt mũi, điều này có thể gây kích ứng cổ họng và dẫn đến ho. Trẻ cũng có thể bị chảy dịch mũi sau, xảy ra khi chất nhầy chảy xuống phía sau cổ họng và có thể gây ho.

Giảm nghẹt mũi cho trẻ có thể giúp giảm ho. Cho trẻ xì mũi thường xuyên. Đối với trẻ chưa biết xì mùi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý có thể giúp làm loãng chất nhầy trong mũi. Sau đó bố mẹ có thể dùng các dụng cụ hút mũi để loại bỏ dịch mũi cho bé.

Sử dụng tinh dầu

Một số loại tinh dầu có thể giúp giảm ho cho trẻ như tinh dầu tràm, bạc hà, khuynh diệp… nhờ khả năng làm dịu đường hô hấp trên, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, virus…

Bố mẹ có thể áp dụng các cách trị ho cho bé tại nhà với tinh dầu như sau:

  • Massage ngực với tinh dầu: Trộn 2 giọt tinh dầu với 1 thìa dầu thực vật bất kỳ, như dầu mè hoặc dầu dừa. Massage hỗn hợp này vào ngực trẻ sau khi tắm và trước khi ngủ, giúp thông mũi, giảm ho.
  • Sử dụng máy khuếch tán tinh dầu: Đây là cách tốt nhất để khuếch tán tinh dầu khắp phòng, với hàm lượng vừa đủ, sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và các cơn ho giảm dần.
  • Nhỏ giọt vào gối: Nhỏ 1-2 giọt tinh dầu vào gối ngủ của trẻ, giúp giảm những cơn ho vào ban đêm.

Các cách trị ho tại nhà

Lưu ý khi áp dụng các cách trị ho tại nhà

Mặc dù các cách trị ho tại nhà thường an toàn và hiệu quả, nhưng việc áp dụng chúng cần đi kèm với một số lưu ý quan trọng để đảm bảo hiệu quả tốt và tránh các phản ứng có hại:

Đối tượng cần thận trọng khi áp dụng các phương pháp giảm ho tại nhà: Những người có tiền sử dị ứng, đang mang thai, cho con bú, hoặc đang điều trị các bệnh mạn tính cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thảo dược hoặc phương pháp trị ho tại nhà nào.

  • Tương tác thuốc có thể có: Một số thảo dược có thể tương tác với thuốc đang sử dụng hoặc gây ra phản ứng không mong muốn ở một số người.
  • Thận trọng khi áp dụng các cách trị ho cho bé tại nhà: Không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi do nguy cơ ngộ độc botulism. Với trẻ nhỏ, liều lượng của các thảo dược cần được điều chỉnh phù hợp, và nên tránh các phương pháp có nguy cơ gây bỏng như xông hơi nóng trực tiếp. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị ho nào tại nhà.
  • Không thay thế cho điều trị y khoa: Các cách trị ho tại nhà chủ yếu dùng để giảm triệu chứng ho, không tác động tới nguyên nhân gây ho. Do đó, nếu ho do các bệnh lý như phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… cần được điều trị thích hợp để kiểm soát tốt hơn.
  • Thăm khám bác sĩ khi có các dấu hiệu: Ho kèm đờm xanh hoặc vàng có mùi hôi thối, ớn lạnh, mất nước, sốt trên 39 độ C, sốt kéo dài hơn 3 ngày, ho kéo dài hoặc tái phát

Các cách trị ho tại nhà

Phòng ngừa ho tại nhà

Tránh các tác nhân gây dị ứng

Các chất gây kích ứng từ môi trường như khói, bụi hoặc mùi mạnh có thể làm trầm trọng thêm cơn ho. Giữ môi trường sạch sẽ và tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng có thể giúp kiểm soát cơn ho của bạn.

Nếu bạn bị dị ứng, việc vệ sinh sạch nấm mốc, bụi và phấn hoa có thể giúp ích. Các chất gây dị ứng này có thể gây ra phản ứng, bao gồm cả ho. 

Giữ môi trường trong nhà luôn sạch sẽ

Dọn dẹp thường xuyên, giặt chăn gối đều đặn… là cách giúp môi trường trong nhà luôn sạch sẽ, hạn chế nguy cơ ho do dị ứng. Bạn có thể sử dụng máy lọc không khí để đảm bảo không khí trong lành. 

Bỏ thuốc lá cũng giúp loại bỏ khói độc trong không khí, ngăn chặn nguy cơ ho do khói thuốc. Lý do là vì khói thuốc làm tê liệt các sợi lông nhỏ lót phổi của bạn, được gọi là lông mao, giúp loại bỏ chất nhầy và bụi bẩn. Đó là lý do tại sao một số người hút thuốc bị ho kéo dài, người hít khói thuốc thụ động cũng vậy.

Giữ ấm cơ thể

Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây các triệu chứng khó chịu, bao gồm cả ho. Mặc đủ ấm, sử dụng sáp hoặc tinh dầu giữ ấm giúp ngăn chặn ho do nhiễm lạnh.

Ngủ đủ giấc

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy cho cơ thể bạn đủ thời gian để phục hồi. Ngủ và nghỉ ngơi là điều cần thiết khi bạn đang phải đối phó với cơn ho, vì chúng giúp cơ thể bạn có thời gian cần thiết để chữa lành. Cố gắng duy trì lịch trình ngủ đều đặn và tạo ra một môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh.

Thay đổi chế độ ăn uống cho bệnh trào ngược axit

Trào ngược axit là nguyên nhân phổ biến gây ho. Tránh các loại thực phẩm có thể gây trào ngược axit là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng này và giảm ho đi kèm.

Các loại thực phẩm và đồ uống thường gây trào ngược axit bao gồm: rượu, caffein, sô cô la, thực phẩm họ cam quýt, thực phẩm chiên và béo, tỏi và hành tây, bạc hà, gia vị và thực phẩm cay, cà chua và các sản phẩm từ cà chua…

Bổ sung men vi sinh

Lợi khuẩn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách cân bằng vi khuẩn trong ruột. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra ho.

Một số loại thực phẩm cũng giàu men vi sinh tự nhiên, bao gồm: sữa chua tự nhiên, kim chi, dưa cải muối….

Các cách trị ho tại nhà

Kết luận

Qua bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về nhiều cách trị ho tại nhà hiệu quả và an toàn cho cả người lớn và trẻ em. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, xin quý khách hàng liên hệ trực tiếp đến số hotline 0965 280 068 để được DHT PHARMA hỗ trợ.

Viết bình luận của bạn